HocNguVan.net -Trong một bài viết dù là nghị luận xã hội hay văn học, phần mở bài luôn luôn quan trọng. Mở bài giúp tạo ra được ấn tượng và khơi nguồn cảm xúc cho người đọc cũng như giám khảo chấm thi. Vậy làm thế nào để viết một mở bài cho nghị luận văn học đầy đủ và hay nhất? Học ngữ văn sẽ có một số gợi ý sau cho bạn đọc.
1. Mở bài bằng nhận định về tác giả và quan niệm sáng tác:
- Đối với một số bạn vẫn có thói quen mở bài bằng cách nêu năm sinh năm mất, cuộc đời, sự nghiệp của tác giả. Việc mở bài như vậy đã rất rập khuôn. Thay vì như vậy bạn hãy dẫn dắt nhận định của một nhà phê bình văn học về tác giả hoặc bạn nêu quan niệm sáng tác của tác giả đó.
- Ưu điểm:
+ Bạn “khoe” được kiến thức bạn văn học của bạn về tác giả.
+ Nhận định của những nhà phê bình văn học hay quan niệm sáng tác lúc nào cũng “đúng”, “trúng” và đặc biệt có vần điệu, âm điệu rất dễ đi vào lòng người.
- Yêu cầu:
+ Bạn phải có hiểu biết sâu rộng về các nhà văn, cũng như nhà phê bình văn học.
+ Bạn phải thuộc, ghi nhớ tốt các câu nhận định tránh trường hợp “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”
- Ví dụ:
+ Xuân Diệu nói về Tố Hữu:. Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống, thật sự. (Xuân Diệu-"Tố Hữu với chúng tôi")
+ Tố Hữu nói về Xuân Diệu:"Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, đặc sắc, độc đáo của nền thơ hiện đại Việt Nam… cho tới nay và những năm tháng trước mắt liệu có ai vượt được Xuân Diệu trong lĩnh vực thơ tình? Và không ai có thể thay thế được Xuân Diệu" (Tố Hữu)
2. Mở bài bằng chủ đề hay hình tượng trung tâm :
- Chủ đề là các khái quát bao trùm lên toàn tác phẩm, toàn bài thơ là mạch chính của toàn tác phẩm. Hình tượng trung tâm có thể là nhân vật chính, hay là hình tượng mà nhà văn xây dựng lên.
- Ưu điểm :
+ Nêu được các khái quát hơn sao đó đến tác phẩm cụ thể. Cho người chấm thấy được bạn có đọc qua và nắm vững tác phẩm.
- Yêu cầu :
Phải đọc qua tác phẩm, nắm vững nội dung cốt truyện, nhân vật tình tiết và cả ẩn ý của tác giả.
- Ví dụ :
Đề bài yêu cầu cảm nhận 9 câu thơ đầu trong bài Đất nước, thí sinh có thể tham khảo mở bài sau:
“Đất Nước” từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung. Nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ, mỹ lệ hay cảm hứng về lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc bình dị để miêu tả về Đất Nước. Đến với bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm ta như đứng trước muôn màu văn hóa, truyền thống, phong tục tươi đẹp vô ngần. Vẻ đẹp ấy được hiện lên sâu sắc nhất qua chín câu thơ đầu". (trích thơ)
3. Mở bài bằng lý luận văn học
- Lý luận văn học là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát, bao gồm trong đó sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của nó, đồng thời xác định phương pháp luận và phương pháp phân tích văn học.
- Ưu điểm:
+ Tạo ấn tượng rất tốt về phần mở bài. Vì lý luận văn học rất khô khan và cứng nhắt. Nếu vận dụng được thì bài văn sẽ có giá trị rất cao về mặt ý nghĩa
- Yêu cầu:
+ Đọc qua nhiều bài lý luận văn học, có nghiên cứu về lý luận văn học.
+ Có một chút năng khiếu và kĩ năng viết văn.
- Ví dụ:
Khi vấn đề nghị luận liên quan đến bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” – Thanh Thảo, thí sinh có thể vận dụng kiến thức về quy luật kế thừa, cách tân trong văn học như sau:
“Văn học bao đời nay tối kỵ sự trùng lặp nhưng lại không phủ nhận những kế thừa, cách tân giữa các thế hệ cầm bút. Bởi vậy mà thế kỷ XIII, đại thi hào Nguyễn Du đã khóc thương nàng Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh, Tố Hữu tiếc thương cụ Tiên Điền 200 năm sau và đến lượt Thanh Thảo, nhà thơ không khỏi xúc động cúi mình trước Lorca, thi sĩ bất hạnh xứ Tây ban cầm”.